RUAN WEN DING 2010


Join the forum, it's quick and easy

RUAN WEN DING 2010
RUAN WEN DING 2010
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

THÀNH NGỮ TRUNG QUỐC

Go down

THÀNH NGỮ TRUNG QUỐC Empty THÀNH NGỮ TRUNG QUỐC

Post by Admin Wed 09 Jun 2010, 08:21

Bình dị cận nhânÝ của câu thành ngữ này vốn chỉ chính sạch hòa dịu dễ thi hành.Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Sử ký - Lỗ Chu Công thế gia”.Chu Công em trai của Chu Vũ Vương, là người từng phò tá Chu Vũ Vương đánh đổ triều nhà Thương, có công lớn trong việc thành lập vương triều Tây Chu. Về sau, ông được Chu Vũ Vương phong làm Lỗ Công, trao quyền cai quản Khúc Phụ, nhưng ông không đi sang Khúc Phụ, mà vẫn ở lại kinh đô tiếp tục phò tá Chu Vũ Vương, chỉ sai người con cả của mình là Bá Cầm tiếp nhận phong hiệu Lỗ Công sang cai quản Khúc Phụ.Sau khi đến Khúc Phụ được ba năm, Bá Cầm mới báo cáo với Chu Vũ Vương về tình hình thi hành chính sách ở địa phương. Chu Vũ Công rất không vừa ý trước việc này bèn hỏi: “Tại sao ông lại báo cáo muộn đến như vậy?”. Bá Cầm trả lời rằng: “Muốn thay đổi phong tục tập quán và đổi mới lễ pháp ở địa phương, thì phải mất tới ba năm mới thấy được hiệu quả của nó, cho nên tôi mới báo cáo muộn như vậy”.Trước đó có Khương Thượng là người từng phò tá Văn Vương và Vũ Vương, được Chu Vũ Vương phong ở Tề Địa, ông ta chỉ trong thời gian 5 tháng là đã báo cáo với Chu Vũ Vương về tình hình thi hành chính sách ở địa phương. Lúc đó, thấy ông trở về nhanh chóng, Chu Công rất ngạc nhiên mới hỏi ông làm sao lại có thể báo cáo nhanh đến như vậy. Khương Thượng trả lời rằng: “Vì tôi đã đơn giải hóa nghi lễ vua tôi ở đó, mọi việc đều làm theo tập tục địa phương, nên mới nhanh như vậy”.Do đó, Chu Công sau khi nghe xong báo cáo của Bá Cầm liền than rằng: “Ôi, đời con cháu của nước Lỗ sắp trở thành thần dân của nước Tề rồi, chính sách mà không đơn giản và dễ thi hành, thì dân chúng tất sẽ không gần gũi nó. Nếu chính sách hòa dịu và dễ thi hành thì dân chúng nhất định sẽ quy phục nó”.Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để chỉ người có thái độ khiêm tốn hòa nhã, dễ gần gũi.
Bình thủy tương phùng
Chữ “Bình” ở đây tức là bèo. Ý của câu thành ngữ này là chỉ bèo trôi dạt trên mặt nước ngẫu nhiên dồn lại với nhau.Câu thành ngữ này xuất xứ từ “Vương Tử An tập – Đằng Vương Các tự”.Vương Bột, tự Tử An là một nhà văn nổi tiếng thời đầu nhà Đường. Ông lúc 6 tuổi đã biết viết văn chương, 14 tuổi biết làm thơ phú, 15 tuổi thi đỗ cử nhân.Năm 676 công nguyên, Vương Bột đi thăm cha làm huyện lệnh ở Giao Chỉ. Khi đi qua Hồng Đô thì đúng vào lúc Đô đốc Diêm Bá Ngư vừa cho trùng tu xong Đằng Vương Các, nên quyết định ngày mùng 9 tháng 9 tết Trùng dương đặt tiệc mời các văn nhân mạc khách và bè bạn. Con rể của ông là Ngô Tử Chương là một người có tài ba về thơ phú, Diêm Bá Ngư bảo con rể viết sẵn một bài tự văn để chuẩn bị khoe với khách dự tiệc. Vương Bột lúc đó là một văn nhân có tiếng tăm nên cũng được mời tới dự tiệc.Tại bữa tiệc, Diêm Bá Ngư làm ra vẻ huyền bí mời khách đề tự cho Đằng Vương Các. Mọi người chưa có chuẩn bị nên đều lựa lời từ chối, duy chỉ có Vương Bột cầm bút ngoáy luôn một bài tự nổi tiếng, đó là “Đằng Vương Các tự”. Đám khách khứa xem xong đều tấm tắc khen ngợi, Diêm Bá Ngư cũng vô cùng thán phục và không dám đem bài văn của Ngô Tử Chương đã viết sẵn ra nữa.“Đằng Vương Các tự” có cấu tứ kỳ diệu, văn phong khoáng đạt. Bài văn trong khi miêu tả về quang cảnh tiệc tùng linh đình, cũng đã để lộ phần nào lời than thở cảnh ngộ long đong̣, lật đật sống không gặp thời của Vương Bột: “Quan san nan việt, thùy bi thất lộ chi nhân? Bình thủy tương phùng, tận thị tha hương chi khách”. Ý nói là: Quan san muôn dặm khó leo vượt, ai thương cho kẻ nhỡ độ đường, gặp nhau như bèo tụ trên nước, mới hay đều là khách tha hương.Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ví với người lạ ngẫu nhiên gặp nhau.
Cấm nhược hàn thiền
Chữ “Cấm” ở đây là chỉ ngậm miệng không nói; Còn “Hàn thiền” là chỉ con ve sầu trong trời rét.Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Hậu Hán thư – Truyện Đỗ Mật”.Thời Đông Hán có một viên quan thanh liêm và tài ba tên là Đỗ Mật, ông từng đảm nhiệm chức Thái thú quận và Thượng thư lệnh. Ông chấp pháp nghiêm minh, căm ghét tội ác, từng đấu tranh với lũ hoạn quan, đối với những hoạn quan hay con nhà quyền quý phạm tội là ông cương quyết điều tra xử lý, không hề dung tha. Nhưng ông lại rất quý mến người có tài và luôn tìm cách giúp họ làm nên sự nghiệp.Một hôm, khi thị sát ở huyện Cao Mật, ông thấy có một viên quan làng tên là Trịnh Huyền rất có học thức, bèn đề bạt ông ta lên nhậm chức ở trên quận. Ít lâu sau, ông lại cử Trịnh Huyền đi chuyên tu ở Thái Học. Còn Trịnh Huyền quả không phụ lòng ông, sau đó trở thành nhà Kinh Học rất nổi tiếng thời Đông Hán.Về sau, Đỗ Mật từ quan về quê, những vẫn rất quan tâm tới tình hình chính sự, ông thường bàn luận với các quan chức địa phương về công việc nhà nước, tiến cử hiền sĩ và vạch trần người xấu việc xấu.Bấy giờ, bạn của Đỗ Mật là Lưu Thắng cũng cáo lão về quê. Ông ta sùng tín triết học xử thế trong sạch vẹn thân, hàng ngày kín cổng cao tường, không bàn luận chính sự, ai tốt xấu mặc ai. Có người cho rằng, ông ta làm như vậy là một sự biểu hiện cao thượng.Một hôm, Thái thú Vương Dục khen ngợi Lưu Thắng là một sĩ tử cao thượng. Nhưng Đỗ Mật không tán thành với nhận xét này. Ông nói: “Lưu Thắng địa vị cao, được đối đãi vào hạng thượng khách. Nhưng ông ta biết có người tài mà không tiến cử, nghe tin có người làm việc xấu, mà không dám nói một câu, thì có khác gì con ve sầu trong ngày trời lạnh không biết kêu, ông ta thực ra là một kẻ có tội”.Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ “Cấm nhược hàn thiền” để chỉ những người sống yên phận im hơi lặng tiếng.
Cử kỳ bất định
Ý của câu thành ngữ này là chỉ: Tay giơ quân cờ lên, nhưng không biết chạy nước nào.Thời Xuân Thu, Vệ Hiến Công vua nước Vệ rất kiêu căng tàn bạo. Về sau, đại phu nước Vệ là Tôn Văn Tử và Ninh Huệ Tử làm đảo chính quân sự bị truất mất ngôi vua. Vệ Hiến Công đành phải đưa mẹ và em trai trốn sang nước Tề sống cuộc đời lưu vong.Bấy giờ, Tôn Văn Tử và Ninh Huệ Tử cùng nắm việc triều chính, rồi lập Công Tôn Phiêu lên làm vua tức Vệ Thương Công. Ninh Huệ Tử trước lúc qua đời, đã nhận rõ mình làm việc trục xuất vua là một điều nhục nhã, mới dặn con là Ninh Điệu Tử hãy tìm cách đón Vệ Hiến Công trở về nước Vệ.Ít lâu sau, Vệ Hiến Công cũng sai người đến liên hệ với Ninh Điệu Tử, mong ông giúp mình phục quốc và hứa rằng: Sau khi giành được đất nước, mình sẽ chỉ phụ trách việc tôn miếu và cúng tế, không can dự tới việc triều chính. Nhưng bấy giờ có rất nhiều người phản đối Vệ Hiến Công trở lại làm vua. Đại phu Hữu Tể Hộc cho rằng, tính khí thô bạo của Vệ Hiến Công đến nay vẫn chưa sửa đổi. Còn đại phu Thúc Nghi nhắc nhở Ninh Điệu Tử rằng: “Làm việc gì cũng phải trước sau như một, dòng họ Ninh nhà anh đã trục xuất nhà vua, nay lại muốn đón vua trở về, đây chẳng khác gì chơi cờ cả. Kỳ thủ đã giơ quân cờ lên mà chẳng biết đi nước nào, thì tất bị thua cuộc. Hơn nữa, đây là việc lớn phế lập vua, nếu không cẩn thận thì bị vạ lây cả họ”.Nhưng Ninh Điệu Tử vẫn lấy cớ làm theo di mệnh của cha, không nghe theo lời khuyên giải này, muốn vơ hết mọi quyền bính về tay mình. Về sau ông đã diệt trừ dòng họ Tôn, giết chết Vệ Thương Công, rồi đón Vệ Hiến Công từ nước Tề về nước. Nhưng cuối cùng thì bản thân Ninh Điệu Tử cũng bị Vệ Hiến Công hạ sát, để báo thù cho việc mình bị họ Ninh trục xuất sang nước Tề.Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ: “Cử kỳ bất định” để ví với hiện tượng làm việc do dự, không quả quyết.

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 20
Join date : 2010-06-08

http://khanhdinh.footfan.org

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum